Sùi mào gà bắt đầu với các tổn thương sẩn mềm màu da, hồng hoặc màu nâu, đường kính khoảng một vài mm. Sau vài tuần đến vài tháng, các tổn thương có thể hợp lại thành mảng lớn hơn hay còn được gọi tổn thương dạng súp lơ. Vi thế, khi có biểu hiện, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời theo từng giai đoạn của bệnh. (Ảnh: dalieu.net) |
Sùi mào gà là căn bệnh thường gặp ở những người trưởng thành có quan hệ tình dục không an toàn. Tuy nhiên, trẻ em cũng có nguy cơ mắc phải căn bệnh phức tạp này thông qua việc tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh, các thiết bị, dụng cụ y tế hay bàn tay nhân viên có vi rút gây bệnh.
Sùi mào gà là một căn bệnh xã hội nguy hiểm, còn được gọi với cái tên khác là bệnh mụn cóc sinh dục hay bệnh mồng gà. Vi rút gây bệnh sùi mào gà là Human papilloma (HPV). Vi rút HPV tuýp 6 và 11 gây ra bệnh sùi mào gà ở nam giới, còn ở trẻ nhỏ thì HPV gây bệnh sùi mào gà có nhiều dạng khác nhau.
Nguyên nhân nhiễm bệnh sùi mào gà ở trẻ nhỏ
Nếu như ở người lớn, nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do quan hệ tình dục bừa bãi, không sử dụng các biện pháp an toàn, thì ở trẻ nhỏ, bệnh sùi mào gà có thể lây nhiễm do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Bác sĩ Nguyễn Thị Huyền Thương, hiện đang công tác tại Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết: "Nhiều người sẽ giật mình khi biết trẻ em cũng sẽ có nguy cơ bị sùi mào gà như người lớn. Thậm chí vi rút HPV còn dễ tấn công và gây bệnh sùi mào gà ở trẻ em nhiều hơn, do sức đề kháng và hệ thống miễn dịch của trẻ em còn yếu".
Trẻ em bị lây nhiễm sùi mào gà qua việc mẹ sinh con, nhiễm vi rút HPV ở quần áo, cơ thể người bệnh hoặc bị lạm dụng tình dục... (Ảnh: suckhoedoisong) |
Theo bác sĩ Huyền Thương, các nguyên nhân gây bệnh sùi mào gà ở trẻ sơ sinh, trẻ em thường đến từ:
- Lúc mang thai người mẹ bị sùi mào gà và không được điều trị dứt điểm. Khi sinh em bé ra, lúc chui qua cửa mình của người mẹ, các vi rút HPV có thể xâm nhập và tấn công vào da của em bé và gây bệnh.
- Cha mẹ, người thân của trẻ bị sùi mào gà, sau đó có tiếp xúc với trẻ qua việc bế, ẵm, tắm rửa, thay đồ thì cũng sẽ vô tình truyễn nhiễm bệnh cho trẻ.
- Do trẻ nhỏ rất hiếu động, vì thế thường xuyên có những vết thương hở trên da, đồng thời hệ miễn dịch còn yếu nên nếu có tiếp xúc với quần áo, bồn vệ sinh có mầm bệnh thì rất dễ bị lây nhiễm sùi mào gà.
- Một nguyên nhân ít gặp, nhưng không có nghĩa là không xảy ra, đó là trẻ em bị lạm dụng tình dục, vi rút sùi mào gà có thể lây nhiễm từ người lạm dụng sang trẻ em.
- Cắt bao quy đầu bằng dụng cụ không đảm bảo vô trùng.
Dấu hiệu nhận biết trẻ bị sùi mào gà
PGS.TS Lê Hữu Doanh, Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết: Biểu hiện chung của trẻ khi bị nhiễm sùi mào gà là đau, ngứa và sưng đỏ ở bộ phận sinh dục. Bề mặt niêm mạc ở trẻ nhỏ bị sùi mào gà sẽ xuất hiện các nốt nhỏ kích thước khác nhau, mềm và ẩm ướt, có chất dịch rỉ ra và mùi khó chịu.
Vị trí mắc bệnh ở cả nam và nữ như: vùng da, môi , lưỡi, lợi, họng, hạ họng, thanh quản, mắt , hậu môn, lỗ niệu đạo ngoài - trong, bàng quang. (Ảnh: VOV) |
Ở các bé trai, các nốt sùi mào gà thường xuất hiện quanh hậu môn và thân dương vật. Còn ở bé gái thì chủ yếu là ở hậu môn, âm hộ, khu vực quanh lỗ niệu đạo. Khi thấy trẻ có các dấu hiệu như trên, tốt nhất, các bậc phụ huynh hãy đưa con em mình đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm, phức tạp về sau.
Sùi mào gà ở trẻ em nguy hiểm như thế nào?
Bác sĩ Nguyễn Bá Hưng, hiện đang làm việc tại Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội cho biết trẻ em mắc bệnh sùi mào gà sẽ rất nguy hiểm. Bởi vì lúc này da và niêm mạc của trẻ mỏng, yếu nên rất dễ bị vi rút sùi mào gà và nhiều bệnh khác tấn công.
"Nếu không được điều trị dứt điểm và kịp thời, bệnh sẽ tái đi tái lại nhiều lần. Nguy hiểm nhất là khi các nốt sùi bị vỡ, vi rút HPV sẽ tấn công vào sâu bên trong, tạo thành những khối lớn hơn, thậm chí to bằng nắm tay. Chúng có thể bít kín đường sinh sản và gây vô sinh, ngoài ra, người bệnh còn có nguy cơ mắc các bệnh khác như ung thư cổ tử cung (nữ giới) và ung thư dương vật (nam giới) hay ung thư vòm họng", bác sĩ Hưng nhấn mạnh.
Trẻ em bị sùi mào gà cần được thăm khám và chữa trị ngay để tránh các biến chứng nguy hiểm. (Ảnh: Thùy Linh) |
Các các sĩ cũng cho biết, tuy chưa có thuốc đặc trị nhưng hiện tại đã có hướng giải quyết cho những bệnh nhân bị sùi mào gà. Nếu sớm được chữa trị bằng phương pháp loại bỏ vi rút HPV thì người bệnh có thể khỏi hoàn toàn. Hiện nay, một số loại thuốc bôi có tác dụng khá tốt trong việc chữa trị sùi mào gà đó là: Kem Imiquimod 5% hoặc 3,75%, Podofilox 0,5% dạng dung dịch hoặc gel, mỡ sinecatechins 15%...
Ngoài ra, các bác sĩ cũng có thể áp dụng một số phương pháp khác như laser, cắt bỏ tổn thương, phương pháp lạnh để điều trị cho trẻ em bị sùi mào gà. Điểm hạn chế của các phương pháp này là gây đau đớn, nhiều trường hợp sẽ để lại sang chấn tâm lí cho trẻ nhỏ, vì thế, các sĩ thường phải tiến hành gây mê hoặc gây tê.
Với trẻ nhỏ, các bác sĩ sẽ ưu tiên phương pháp bôi thuốc điều trị tại chỗ hơn so với giải pháp can thiệp. Trong trường hợp điều trị thuốc bôi không có hiệu quả thì làm các thủ thuật. Có những bệnh nhân không bị tái phát nhưng cũng có người u nhú sẽ mọc đi mọc lại. Vì thế, việc khám định kỳ là rất quan trọng.
Phòng bệnh sùi mào gà ở trẻ nhỏ
- Cha, mẹ, người thân bị sùi mào gà nên tránh tiếp xúc trực tiếp với trẻ nhỏ.
- Không dùng chung khăn mặt, khăn tắm và giặt chung quần áo của người bệnh với quần áo của con trẻ.
- Vệ sinh quần áo, bộ phận sinh dục hàng ngày bằng xà phòng và nước sạch cho con.
- Khi đưa con đi khám, cần chú ý đến việc vô trùng trang thiết bị, dụng cụ y tế và bao tay của bác sĩ trực tiếp khám bệnh cho trẻ.
Từ ngày 1/1-21/7 trên toàn địa bàn tỉnh Hưng Yên có 79 trẻ mắc sùi mào gà vào Viện Da liễu Trung ương khám và điều trị. Hầu hết em bé này trước đó đều được chữa chít hẹp bao quy đầu tại phòng khám tư nhân của bà Hoàng Thị Hiền, y sĩ công tác tại Trạm y tế xã Mễ Sở, huyện Khoái Châu. Bệnh viện đã quyết định miễn phí điều trị cho các cháu bị sùi mào gà dưới 15 tuổi của huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên kể từ ngày 17/7/2017 cho đến hết ngày 31/12/2017. Theo thông tin từ báo Tiền phong, sáng nay 24/7/2017, Sở Y tế tỉnh Hưng Yên đã có quyết định tạm đình chỉ chuyên môn trong 15 ngày đối với y sĩ Hoàng Thị Hiền và sẽ tiếp tục gia hạn cho đến khi làm rõ việc gần 80 trẻ em bị sùi mào gà nghi bị lây nhiễm trong quá trình nong, cắt bao quy đầu tại nhà bà Hiền. Tập thể gia đình có con bị mắc bệnh sùi mào gà sau khi nong tách bao quy đầu ở Hưng Yên làm đơn kêu cứu gửi đến các cơ quan chức năng, mong sớm tìm ra nguyên nhân và đòi lại công bằng cho các cháu nhỏ. |
Trần Hiếu
Theo Đời sống & Pháp lý
Nhận xét
Đăng nhận xét