Rừng bị 'xẻ thịt' ở Đắk Lắk: Lâm tặc hoạt động như chốn không người

Xem thêm: Lâm tặc ở Đắk Lắk hoạt động như chốn không người

Chúng tôi tận mắt chứng kiến những chiếc xe nổ máy rầm rầm chở gỗ ra khỏi rừng, chạy qua các trục đường liên xã mà không bị cơ quan chức năng xử lý.

Trong thời gian điều tra về tình trạng rừng đang bị tàn phá không thương tiếc ở huyện Ea Kar (tỉnh Đắk Lắk), chúng tôi lại nhận được phản ánh của người dân về việc, cách đó không xa, ở huyện M’Drắk cũng đang xảy ra tình trạng lâm tặc khai thác và vận chuyển gỗ như “chốn không người”.


Trước thông tin này, ngày 18/7, chúng tôi tìm về thôn 7, xã Krông Á, huyện M’Drắk để "mục sở thị" khu rừng già đang bị lâm tặc "xẻ thịt".

Do đường lầy lội nên chúng tôi phải gửi xe để di chuyển từ thôn 7 vào rừng. Mới đến bìa rừng, chúng tôi phát hiện hai xe cày độ chế chở gần hơn 10m3 gỗ hộp đang dừng đỗ. Nhóm người vận chuyển số gỗ này đang thản nhiên đốt lửa nấu ăn.

Khi chúng tôi đi ngang qua, những người này tỏ vẻ dò xét. Tiếp cận với nhóm người này, chúng tôi phải giả làm người đân đi tìm cây thuốc và phong lan thì họ mới không mảy may nghi ngờ.

Đi qua nhóm lâm tặc nói trên, chúng tôi bắt đầu vượt qua những con đường lầy lội, do xe cày băm nát để tiến gần hơn với cánh rừng già.

Khi vừa mới chớm đến cửa rừng, chúng tôi đã nghe rõ những tiếng máy cưa vang cả một khoảng rừng rộng lớn. Cùng với đó, những tiếng gãy đổ của cây rừng khiến ai nấy đều phải xót xa.

Lần theo tiếng cưa máy, đi khoảng 2km, chúng tôi phát hiện nhiều quả đồi bị "cạo trọc". Nhiều người dân đang đốt, dọn dẹp cây rừng để làm nương rẫy. Ngay nơi khu rừng đang bị tàn phá có biển báo: “Pháp luật- Nghiêm trị những kẻ chặt phá rừng – đốt rừng, lấn chiếm đất rừng”.

Trên đường đi, xuất hiện nhiều dấu vết bánh xe cày độ chế in hằn trên đất. Đi theo dấu vết này, chúng tôi tiến sâu vào khu rừng già thì bắt gặp hai hố sâu hoắm mà lâm tặc đã đào để cất dấu gỗ.

Ở hố đầu tiên có hai hộp gỗ với đường kính khoảng 50cm được che đạy kĩ càng. Hố còn lại, lâm tặc cũng tỉ mỉ vùi gỗ xuống đất, sử dụng mùn cưa bỏ đi để che đạy, tránh bị phát hiện.

Đi thêm khoảng 3km nữa, chúng tôi vô cùng bàng hoàng bởi khu vực này là bãi tập kết lớn với hàng chục hộp gỗ đã được cắt xẻ, nằm ngổn ngang.

Những cây gỗ bị đốn hạ vẫn còn rỉ nhựa, cành lá còn tươi xanh. Có lẽ “lâm tặc” vừa mới rời khỏi đây không lâu.

Nhiều gốc cây to bằng hai người ôm bị đốn hạ và nằm ngổn ngang dưới những tán cây đổ rạp. Một số hộp gỗ mới với chiều dài khoảng 3m được lâm tặc gọt đẽo cẩn thận rồi “gửi tạm" ở rừng.

Khi đang bàng hoàng trước cảnh rừng bị "xẻ thịt", chúng tôi bất ngờ nghe thấy tiếng xe cày ì ạch leo dốc tiến thẳng về phía mình. Ngay lập tức, chúng tôi đã tạm lánh đi nơi khác để đảm bảo an toàn.

Chở gỗ ngang trụ sở Ủy ban xã


Khi rời khu rừng để di chuyển xuống bìa rừng, chúng tôi bắt gặp một xe cày độ chế đang vận chuyển gỗ chậm chạp “bò” từ rừng xuống khu vực thôn 7. Trong khi đó, hai xe gỗ chúng tôi gặp khi bắt đầu vào rừng vẫn “đóng quân” tại đây.

Đến khoảng 16h30 chiều cùng ngày, hai xe tập kết gỗ ở bìa rừng bắt đầu xuất phát, di chuyển theo hướng xã Krông Á đi Trung tâm thị trấn M’Drắk, đi ngang qua Trụ sở UBND xã Krông Á.

Lúc này, chúng tôi cẩn thận bám theo để tìm nơi tập kết gỗ của nhóm lâm tặc. Trên quãng đường đi, chúng tôi nhận thấy, cứ khoảng 200-300m lại có một người có biểu hiện lạ, giống như đang làm nhiệm vụ “canh đường” cho các xe vận chuyển gỗ.

Sau khi bám theo được khoảng 2km, nhóm lâm tặc tỏ vẻ nghi ngờ nên đã cử người cản đường chúng tôi, sau đó rồ ga bỏ chạy.

Sau khi mất dấu xe chở gỗ, chúng tôi tiếp tục “mật phục” tại khu vực xã Krông Á. Đến khoảng 18h30, một xe chở gỗ khác xuất hiện kèm theo đó là nhiều người với thái độ dò xét.

Nhận thấy sự có mặt của chúng tôi, xe gỗ tấp vào một con hẻm nhỏ, cách Trung tâm thị trấn M’Drắk khoảng 2km. Sau đó, một số người lạ mặt sử dụng xe máy độ chế nẹt bô tiến lại gần và có hành vi đe dọa chúng tôi.


Ngày 19/7, chúng tôi liên hệ với ông Y Sy Hdơk, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk để thông tin về vấn đề rừng tại xã Krông Á bị khai thác tràn làn, gỗ được vận chuyển một cách công khai mà không có bóng dáng của lực lượng chức năng.

Lúc này, ông Y Sy Hdơk khẳng định: “Đơn vị sẽ cử lực lượng xuống để phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện M’Drắk tiến hành xác minh, điều tra, làm rõ”.

Ngày 20/7, trao đổi với chúng tôi, ông Hòa Quang Khiêm, Chủ tịch UBND huyện M’Drắk cho biết, trong quá trình tuần tra, lực lượng chức năng không xác định được hết các khu vực mà nhóm người khai thác gỗ nên tạo ra lổ hổng cho các đối tượng.

"Nếu như để tình trạng vận chuyển gỗ ngang nhiên đi qua các trục đường liên xã và qua trụ sở UBND xã xảy ra liên tục thì rõ ràng là do anh em thiếu trách nhiệm, thực hiện không đến nơi đến chốn", ông Khiêm khẳng định.

Còn về vấn đề có hay không việc tiếp tay cho lâm tặc, ông Khiêm cho hay, cần phải xem xét, điều tra thêm để có chứng cứ thì mới khẳng định được.

"Chúng tôi sẽ xem xét thái độ, trách nhiệm của anh em ở cấp cơ sở và chủ rừng để xảy ra tình trạng này. Ngay từ đầu, chúng tôi đã xác định việc quản lý bảo vệ rừng là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng”, ông Khiêm thông tin.

Cũng theo ông Khiêm, UBND huyện sẽ chỉ đạo lập đoàn kiểm tra để rà soát, truy quét nguồn gốc số gỗ tại xã Krông Á như báo chí phản ánh. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng của huyện này sẽ mở rộng điều tra sang các khu vực khác.

Nhận xét