'Nên dùng dây thìa canh khô dưới dạng chè pha nước để phòng chống bệnh tiểu đường'



Mới đây, các nhà khoa học đã tìm ra 9 chất mới có trong cây dây thìa canh trồng tại Hải Lộc (Hải Hậu, Nam Định) có tác dụng rất lớn trong việc hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường.
PGS.TS Trần Văn Ơn. (Ảnh: FBNV)


Là một chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu về loại dược liệu này, PGS.TS Trần Văn Ơn - Chủ nhiệm Bộ môn thực vật học, Đại Học Dược Hà Nội cho biết, dây thìa canh có tác dụng hạ đường huyết rất hiệu quả. Trong loại thảo dược này có chứa nhiều axit gymnemic, có tác dụng ức chế hấp thu đường ở ruột sau ăn, giảm tân sinh đường ở gan, đồng thời làm tăng khả năng sử dụng đường ở mô, cơ.

Nhờ những cơ chế này mà lượng đường vào máu sẽ giảm đi, giúp hạ đường huyết và kiểm soát đường huyết luôn ở mức an toàn. Loại cây này còn có tác dụng gây ức chế thần kinh cao hơn là tương tác hóa học.

Ngoài ra, chuyên gia về thực vật học cũng cho hay, hoạt chất GS4 - thành phần hạ đường huyết có trong dây thìa canh sẽ tập trung nhiều nhất ở phần ngọn và lá chứ không phải ở thân, cành như nhiều người vẫn nghĩ. Do đó, để đảm bảo an toàn, người bệnh tiểu đường không nên tự ý sử dụng dây thìa canh cũng như các chế phẩm từ thảo dược này mà không rõ nguồn gốc, không có giấy tờ chứng minh về chất lượng.

"Về cách dùng, nếu người dân dùng dạng tươi thì hơi ngái. Tốt nhất nên dùng dạng dây thìa canh đã sao khô và pha với nước nóng theo tỉ lệ thích hợp, uống như nước chè hàng ngày thì sẽ có tác dụng tốt hơn. Hơn nữa, người dân cũng cần tìm hiểu rõ đầu ra phải đảm bảo chứ không nên trồng ồ ạt rồi lại phải 'giải cứu' thì còn nguy hiểm hơn", PGS Trần Văn Ơn nói.

Cũng theo chuyên gia thực vật Trần Văn Ơn, ở Thái Nguyên cũng có một vùng chuyên trồng cây dây thìa canh và có các sản phẩm được chiết xuất từ cây này khá đa dạng. Ngoài dạng viên nang, người dân ở đây còn sơ chế dây thìa canh thành dạng khô uống như chè khô. Các bệnh nhân bị tiểu đường hoặc mỡ máu cao có thể sử dụng các chế phẩm này từ dây thìa canh theo liều lượng thích hợp để uống sẽ có tác dụng tốt trong việc hỗ trợ, điều trị các bệnh này.
Khó khăn để mở rộng diện tích

Dù tác dụng lớn như vậy nhưng việc nhân rộng mô hình thâm canh loại dược liệu quý này lại đang gặp phải một số khó khăn.
Cây dây thìa canh. (Ảnh: Tuvankhoe.com)


Trao đổi với chúng tôi, ông Cao Đức Thiệp - Chủ tịch UBND xã Hải Lộc cho hay: "Địa phương đã trồng cây dây thìa canh đã lâu nhưng đi vào quy củ và theo mô hình hợp tác xã được khoảng gần 6 - 7 năm nay. Ban đầu bà con tự lo về cây giống và đầu ra sản phẩm, nhưng vài năm gần đây, Công ty Nam Dược đã chịu trách nhiệm hỗ trợ cả về giống và bao tiêu sản phẩm cho bà con. Hiện tại, diện tích trồng cây dây thìa canh của xã khoảng 7 - 8 hecta. Tham gia tổ dịch vụ của hợp tác xã trồng cây này có gần 50 gia đình nông dân".

Còn theo ông Lâm Thanh Vân - đại diện tổ dịch vụ hợp tác xã của xã Hải Lộc cho biết, khi thu hoạch cây dây thìa canh đã chặt ngắn và phơi (sấy) khô, giá bán dao động từ 40.000 - 50.000 đồng/kg.

Nhận xét