Nữ ca sĩ chuyển giới đầu tiên - Cát Tuyền: Nhờ nghề lô tô mới được làm con gái, kết thúc mối tình đẫm nước mắt với nghệ sĩ Chinh Nhân



Chào Cát Tuyền, chị xuất thân từ một gia đình có truyền thống cải lương. Tại sao chị không theo nghề của ba mẹ?

Lúc đó có ai chấp nhận giới tính thứ ba đâu. Năm 7, 8 tuổi tôi đã đóng vai Nghi Xuân. Từ nhỏ tôi để tóc búp bê, mặt như con gái nên kêu tôi đóng vai Tấn Lực tôi không chịu. Tôi ra sân khấu hát vai con trai, tôi hát không ra. Tôi tham gia đoàn cải lương Bạch Ấu cũng chỉ đóng vai nữ như: Tào Thị, Nghi Xuân... Đoàn cải lương không sắp vai được cho tôi, chỉ có đi theo đoàn lô tô, muốn làm gì cũng được. Thời đó, các đoàn lô tô phải mời người giới tính thứ ba về hát diễn, khán giả mới coi.

- Ba mẹ chị lúc đó có ngăn cản chị theo nghề lô tô không?

Ba mẹ tôi không ngăn cản nhưng sợ tôi khổ khi theo nghề này mà bỏ học. Ba mẹ sợ tôi làm con gái thì sau này liệu có yêu ai được không? Ba mẹ cản vậy thôi chứ ba mẹ nào không thương con. Ba hay rầy la và bắt tôi phải cắt tóc, bắt tôi đi theo con đường của ba. Tôi trốn nhà đi để ba tôi không buồn. Tôi muốn sống theo bản năng của tôi. Tôi cũng không muốn để ba tôi buồn. Bảy năm sau tôi mới về. Ba mẹ đã chấp nhận tôi vì sợ tôi bỏ đi nữa.


Nữ ca sĩ chuyển giới đầu tiên - Cát Tuyền: Nhờ nghề lô tô mới được làm con gái...

- Có khá nhiều bài báo viết về những nghệ sĩ ở các đoàn lô tô. Từng lăn lộn với các đoàn lô tô nhiều năm dài, khi đọc những bài viết đó, chị cảm thấy như thế nào?

Hiện tại, tôi vẫn còn nhận hát cho những đoàn lô tô. Khi xuống hát mà thấy đoàn nào nghèo, tôi không lấy tiền, tôi giúp ngược lại họ. Ngày xưa, tôi khổ lắm, tôi bán vé hội chợ lô tô năm 11 tuổi. Đến năm 18 tuổi, tôi mới được lên sân khấu hát. Lúc đó chưa có nhạc mà vẫn gõ bằng song lang: "Cờ ra con mấy, con mấy cờ ra...". Cũng chính nghề lô tô đã cho tôi biết yêu quý cuộc sống này nhiều hơn. Chúng tôi mang nghiệp gạo chợ nước sông. Đoàn lô tô cực dữ lắm. Tôi đi hát lô tô từ năm 18 tuổi đến năm 25 tuổi, tôi tự lập một đoàn lô tô cho riêng mình. Sau này, tôi tổ chức được đến ba đoàn lô tô. Tôi là người đầu tiên mời nghệ sĩ cải lương về hát mà không bán vé. Tôi cũng chính là người tìm những câu văn câu vè trong những tuồng cải lương hồ quảng để chế thành câu cờ kêu lô tô. Thời đó, mọi người gọi tôi là ngôi sao của sân khấu lô tô. Tôi hay chuyển biến tài năng của mình thành một điều gì đó cho khán giả mua vui. Từ đó cũng giúp tôi có được giọng hát khoẻ hơn, giúp tôi lên sân khấu biết cách ăn nói để mọi người yêu thương mình. Tôi không bao giờ quên nghề lô tô. Dù hôm nay tôi đã có tên tuổi, nhưng bất kì chùa chiền nào ở nước ngoài cần sự quyên góp, tôi đều đứng ra tổ chức lô tô để giúp đỡ quý chùa và cũng để ôn lại những kỉ niệm ngày xưa tôi đã trải qua.

Nhận xét