Lương khởi điểm của khu vực nhà nước sẽ tăng lên 4,14 triệu đồng, lương chuyên gia cao cấp bậc 3 tương đương lương bộ trưởng có thể hơn 33 triệu đồng.
xem thêm thông tin thời sự: https://vietnambiz.vn/thoi-su
Theo tờ trình Đề án Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong DN được hội nghị TƯ 7 thảo luận, mức lương của cán bộ, công chức thấp nhất (trình độ trung cấp) là 4,14 triệu.
Lương khởi điểm của công chức sẽ hơn 4 triệu
Chính sách tiền lương mới sẽ được áp dụng thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong toàn bộ hệ thống chính trị từ năm 2021 với mức thấp nhất bằng mức lương thấp nhất bình quân của khu vực DN.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ (giữa), Trưởng ban chỉ đạo đề án Cải cách chính sách tiền lương. Ảnh: TTXVN
Theo đó, ban soạn thảo đề án đưa ra 2 phương án cụ thể.
Phương án 1 mở rộng quan hệ lương từ 1 – 2,34 – 10 như hiện nay lên 1 – 2,68 – 12 từ năm 2021. Theo đó, mức lương thấp nhất của công viên chức trong bảng lương mới (tương ứng với hệ số 1,86 - trình độ trung cấp trong bảng lương hiện hành) là 4,14 triệu đồng, tăng 11,3% so với năm 2020. Trong khi mức lương tương ứng hiện nay tính theo lương cơ sở được tăng lên 1,39 triệu từ 1/7 tới đây chỉ gần 2,6 triệu đồng.
Mức lương của chuyên viên bậc 1 (tương ứng hệ số 2,34 - trình độ đại học hiện nay) là 5,96 triệu đồng, tăng 27,4% so với năm 2020. Trong khi đó mức lương tương ứng với hiện nay chỉ hơn 3,25 triệu đồng.
Đáng chú ý là mức lương của chuyên gia cao cấp bậc 3 (tương ứng với hệ số 10 hiện hành) là 26,7 triệu đồng, tăng 33,5% so với năm 2020. Trong khi, mức lương tương ứng hiện nay chỉ 13,9 triệu.
Phương án 2 tăng mạnh hơn với việc mở rộng quan hệ tiền lương từ 1 – 2,34 – 10 hiện hành lên 1 – 3 – 15 từ năm 2021.
Theo đó, mức lương thấp nhất của công viên chức vẫn tăng như phương án 1 là 4,14 triệu nhưng chuyên viên bậc 1 tăng lên 6,68 triệu (tăng 42,7% so với 2020); chuyên gia cao cấp bậc 3 tăng lên 33,4 triệu đồng (tăng 67% so với 2020).
Với mức tăng này, so với mức lương hiện nay thì lương chuyên viên bậc 1 tăng hơn gấp đôi; chuyên gia cao cấp bậc 3 tăng gần gấp 3.
Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Quang Dũng, Vụ trưởng Vụ Tiền lương, Bộ Nội vụ cho biết, mức lương này đước tính toán dựa theo Nghị định 141/2017 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với lao động làm việc theo hợp đồng lao động (khu vực DN).
Theo đó, mức lương thấp nhất đối với người có trình độ đào tạo (trung cấp) của khu vực DN không thấp hơn 7% so với mức lương tối thiểu vùng.
Hiện nay mức lương tối thiểu vùng chia là 4 vùng. Thấp nhất là vùng 4: 2,76 triệu; đến vùng 3: 3,09 triệu; vùng 2: 3,53 triệu và vùng 1: 3,98 triệu cao nhất.
'Bánh' ngân sách to ra, người hưởng 'bánh' nhỏ lại
Trả lời VietNamNet, ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng LĐ-TB-XH cho rằng, việc đề án đưa ra lộ trình tăng lương từ năm 2021 là để nâng mức lương khu vực công tiệm cận với khu vực DN, hướng theo thị trường.
Tính toán sơ bộ mức lương thấp nhất giữa khu vực DN với khu vực công hiện nay chênh lệch khá nhiều. Ví dụ, một người tốt nghiệp đại học mới ra trường vào khu vực nhà nước lương 2,34 nhân với lương cơ sở 1,39 triệu chỉ khoảng hơn 3,2 triệu, còn ở khu vực DN, con số phổ biến từ 6-8 triệu.
Mức lương này tương đương với việc điều chỉnh lương chuyên viên bậc 1 lên 6,68 triệu mà đề án đưa ra ở phương án 2.
Lương bộ trưởng có thể tăng hơn 33 triệu đồng. Ảnh: TTXVN
"Như vậy có phải lương khu vực công hiện nay chỉ bằng ½ khu vực DN", ông Huân phân tích. Theo ông, muốn năm 2021 bằng mức thấp nhất bình quân của khu vực DN thì lương khu vực công phải tăng lên gấp đôi so với hiện nay.
Bình luận về việc điều chỉnh mức lương của chuyên gia cao cấp bậc 3, hệ số 10 lên hơn 33 triệu, ông Huân tỏ ra bất ngờ: "So với bây giờ là quá đột biến!".
Theo ông Huân, chuyên gia cao cấp bậc 3 hệ số 10 tương đương với lương của cấp bộ trưởng hiện nay cũng chỉ được mười mấy triệu. Hiện nay cao nhất là lương Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch QH với hệ số lương 13, khoảng 15 triệu.
"Đấy là một mong muốn bứt phá nhưng làm sao để sản xuất kinh doanh phát triển, dân và DN đóng thuế nhiều hơn, bánh ngân sách to ra thì mới có nguồn để tăng lương", ông Huân nhấn mạnh.
"Năm 1993, khi chúng tôi làm cải cách tiền lương, Bộ trưởng LĐ-TB-XH Trần Đình Hoan lúc bấy giờ chỉ ước ao đến năm 2000 lương bộ trưởng được 1.000 USD mỗi tháng (khoảng 20 triệu đồng). Đến nay đã 18 năm rồi nhưng lương bộ trưởng cũng mới được khoảng 13 triệu đồng", ông kể.
Nguyên Thứ trưởng nhận định, lương khu vực công liên quan đến đối tượng hưởng lương và nguồn trả lương. Muốn có nguồn tăng lương, chỉ có 2 cách: một là miếng bánh ngân sách to ra, 2 là người hưởng miếng bánh ấy nhỏ lại, tức là tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy. Nếu kết hợp cả 2 điều này thì càng có điều kiện để tăng lương.
Cần khoảng 140.000 - 210.000 tỷ đồng
Phát biểu trong phiên thảo luận tại hội trường của hội nghị TƯ 7 về đề án này, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, nguồn lực tối đa dành để điều chỉnh tiền lương tăng thêm trong các năm 2021, 2022 khoảng 35.000-40.000 tỷ đồng.
Ông cho rằng, con số này vẫn còn khiêm tốn so với nhu cầu cải cách tiền lương theo dự thảo đề án đưa ra. Do vậy, cần điều chỉnh tăng cân đối ngân sách nhà nước.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng. Ảnh: TTXVN
Cụ thể, muốn tăng lương theo phương án 1 thì nhu cầu nguồn lực trong 2 năm 2021-2022 khoảng 140.000 tỷ đồng; còn theo phương án 2 gần 210.000 tỷ đồng.
Theo phân tích của Bộ trưởng Tài chính, muốn có nguồn để tăng lương theo 2 phương án này, cùng với việc tập trung dành nguồn để cải cách tiền lương, đồng thời duy trì tỷ trọng chi đầu tư phát triển khoảng 26% tổng chi ngân sách, bội chi 2 năm này khoảng từ 4,7-5,1% GDP; giải ngân vốn ODA giai đoạn 2016- 2020 vượt kế hoạch. Tuy nhiên như thế thì rủi ro nợ công vượt trần 65% ngay từ năm 2021.
Nếu như vậy, mức tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức được cải thiện sớm hơn, lúc này sẽ tăng bình quân lên 26-42% so với năm 2020. Tuy nhiên, ông cũng lo ngại khả năng tạo áp lực lớn lên cân đối ngân sách nhà nước và phải chấp nhận bội chi ngân sách, nợ công những năm đầu tăng lương sẽ ở mức cao.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đề nghị nghiên cứu thêm phương án chưa thực hiện đồng thời điều chỉnh mức tiền lương thấp nhất và quan hệ tiền lương trong cùng 1 năm. Tức là có thể điều chỉnh tiền lương thấp nhất trong năm đầu nhưng quan hệ tiền lương thì tính toán tùy vào khả năng thực tế của năm 2021.
Theo đó, năm 2021, điều chỉnh mức tiền lương thấp nhất là hơn 4,1 triệu đồng, đồng thời tích lũy thêm nguồn để mở rộng thực hiện quan hệ tiền lương vào các năm sau.
Nhận xét
Đăng nhận xét